Logo

Hotline

0968 616 636

Hiểm họa môi trường từ rác thải

Mỗi năm có 300 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới, một nửa trong số này để tạo ra các sản phẩm sử dụng một lần như: túi mua hàng, chai, cốc và ống hút. Còn tại Việt Nam, thống kê sơ bộ cho thấy, mỗi ngày có hơn 10 tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường. Điều đáng nói là chỉ một phần nhỏ được thu hồi để tái chế hoặc tái sử dụng và sẽ có một số lượng rác thải nhựa khổng lồ bị thải ra môi trường, gây nguy hại cho cuộc sống của con người. 

Một thói quen, nhiều tác hại

Đồ dùng từ nhựa nói chung và túi ni lông nói riêng từ lâu đã là lựa chọn không thể thiếu đối với các gia đình. Với ưu điểm nhẹ, bền, rẻ, tiện dụng, chúng có mặt ở mọi nơi, từ các cửa hàng đến các cơ quan, xí nghiệp.

Vấn đề đáng nói ở đây là đồ nhựa, nhất là túi ni lông thường được sử dụng một lần, ít được sử dụng lại. Vì rẻ nên cả người bán lẫn người mua thường sử dụng tràn lan, không tiết kiệm. Dễ nhận thấy nhất là tại các chợ, một món đồ nhỏ cũng phải sử dụng một túi ni lông, có khi mua một món đồ cần tới 2-3 túi ni lông. Còn tại các cửa hàng, siêu thị, các mặt hàng tiêu dùng hầu hết được đựng trong các hộp nhựa. Cứ như vậy, hàng ngày người tiêu dùng đưa về nhà một lượng không nhỏ túi ni lông và các loại nhựa rồi lại thải ra môi trường một lượng tương đương, chưa kể tới lượng rác thải nhựa con người thải ra khi đi vui chơi, du lịch và nhiều hoạt động khác.

Mỗi người khi cần là lại sử dụng một túi ni lông, một chai, hộp nhựa… và khi vứt đi, họ có lẽ cũng không ngờ tới rằng hàng trăm năm sau chúng vẫn còn tồn tại.

Rác thải nilon sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển các loại thực vật. Nguy hiểm nhất, túi nilon có thể gây ung thư khi mà những chất phụ gia dùng để tạo độ dẻo dai, tạo màu cho túi nilon có thể gây độc cho người nếu bị làm nóng ở nhiệt độ cao (ở nhiệt độ 70 – 800C, phụ gia dùng sản xuất túi nilon sẽ hòa tan vào thực phẩm). Nếu sử dụng túi nilon để đựng các thực phẩm có tính chua như dưa muối, cà muối, thực phẩm nóng, các phụ gia sẽ tách khỏi thành phần nhựa và đi vào thực phẩm gây nhiễm độc cho thực phẩm. Nếu đốt nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và nguy hiểm hơn là có khả năng gây ung thư. Rác thải nhựa làm tắc các đường thoát nước thải gây ngập lụt cho đô thị, dẫn đến ruồi muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Rác thải nhựa là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài sinh vật biển như rùa, cá heo, cá voi khi chúng nuốt phải các mảnh nhựa vụn. Chỉ với một số tác hại nêu trên đã cho chúng ta thấy rác thải nhựa nguy hiểm tới mức nào và với mức sử dụng nhựa như hiện nay, dự báo khoảng 30 năm nữa, các đại dương sẽ nhiều rác hơn là cá.

Ô nhiễm trắng và những đại dương chết

Ô nhiễm trắng – cụm từ chưa phổ biến với nhiều người nhưng nếu không có những can thiệp kịp thời thì nó sẽ trở thành hiện thực trong thời gian không xa. Đây là loại ô nhiễm do túi ni lông gây ra và để lại hậu quả khôn lường.

Các loại túi ni lông thường tồn tại rất lâu, quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Hiện nay việc sản xuất túi ni lông rất dễ dàng, nhu cầu của xã hội lớn, tuy nhiên việc tái chế túi ni lông còn rất hạn chế, thường chúng được tái chế để sản xuất ra dầu đốt PO, RO, than đốt và hạt nhựa. Túi ni lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, còn khi chôn lấp lại ảnh hưởng tới chất lượng đất và dinh dưỡng cho cây trồng. Thực tế hiện nay đang có một lượng lớn túi ni lông cùng với các loại rác thải nhựa được thải ra môi trường, trôi ra biển sau các trận mưa lũ và làm “chết” các đại dương.

Một nghiên cứu do Quỹ Ellen MacArthur (Anh) cho thấy, tới năm 2025, cứ 3 tấn cá trong lòng đại dương sẽ có một tấn rác nhựa và tới năm 2050, lượng rác thải loại này sẽ vượt trên cả lượng cá trên các đại dương. Theo các chuyên gia môi trường, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa sau Trung Quốc, Indonesia và Phillippines, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới. Dưới tác động của nước biển và tia cực tím, nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và nhiều loài hải sản nhầm tưởng thức ăn của chúng rồi ăn vào, sau đó theo chuỗi thức ăn đi vào cơ thể con người.

Để kiểm soát việc sử dụng túi ni lông, nhựa và tìm ra các chất liệu thay thế cần rất nhiều giải pháp và thời gian. Ngay từ bây giờ, người tiêu dùng cần cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon. Thay vào đó nên sử dụng các loại đồ dùng có khả năng dùng lại nhiều lần hoặc khả năng tái chế cao. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi để giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa ra môi trường

14/05/2024

Tìm kiếm sản phẩm